Bạn đã bao giờ bị nghẹt mũi ban đêm đến mức không thể ngủ được? Tại sao ban ngày không thấy khó chịu nhưng đến tối nằm ngủ lại cảm giác khó thở? Có cách nào làm bớt nghẹt mũi cho dễ ngủ không? Hãy cùng BlogAnChoi khám phá nhé!

Nghẹt mũi là gì?

Hiện tượng nghẹt mũi xảy ra khi chất dịch tích tụ trong các xoang vùng mặt và niêm mạc của đường mũi, làm thu hẹp phần trên của đường thở khiến chúng ta khó hít thở bằng mũi.

Dịch nhầy được tạo ra từ các xoang nằm bên trong xương mặt (Ảnh: Internet).
Dịch nhầy được tạo ra từ các xoang nằm bên trong xương mặt (Ảnh: Internet).

Nhiều người nhận thấy tình trạng nghẹt mũi của mình dường như nặng hơn vào ban đêm. Một phần lý do có thể là vì lúc ban ngày chúng ta có nhiều hoạt động làm phân tâm nên không cảm nhận rõ, nhưng vấn đề không chỉ đơn giản như vậy. Có một số yếu tố khác thực sự làm tăng tình trạng nghẹt mũi vào ban đêm.

Tại sao nghẹt mũi thường nặng hơn vào ban đêm?

Nghẹt mũi là do chất nhầy bị tích tụ quá nhiều, hoặc do sưng và viêm các mạch máu nhỏ bên trong đường mũi. Cả hai vấn đề này đều có thể tăng lên vào ban đêm. Nghẹt mũi liên quan đến trọng lực và cấu trúc giải phẫu của cơ thể. Nhiều người cảm thấy bớt nghẹt khoảng 1-2 giờ sau khi thức dậy vào buổi sáng, cũng có thể là do trọng lực tác động.

Giải phẫu của cơ thể

Ở tư thế nằm thường nghẹt mũi nhiều hơn (Ảnh: Internet).
Ở tư thế nằm thường nghẹt mũi nhiều hơn (Ảnh: Internet).

Khi ở tư thế đứng hoặc ngồi thẳng vào ban ngày, chất nhầy trong xoang và mũi có thể thoát ra một cách tự nhiên do trọng lực kéo xuống. Chất nhầy liên tục di chuyển từ mũi và xoang vào phía sau cổ họng, sau đó được nuốt xuống, thậm chí chúng ta không cảm nhận được quá trình này đang diễn ra.

Nhưng khi cơ thể nằm trên giường hoặc ngả người ở tư thế nằm ngang, trọng lực có thể khiến chất nhầy bị ứ đọng lại hoặc trào ngược lên thay vì chảy xuống dưới như bình thường, do đó gây ra cảm giác nghẹt mũi.

Thay đổi lưu lượng máu

Nghẹt mũi khi nằm là hiện tượng rất thường gặp (Ảnh: Internet).
Nghẹt mũi khi nằm là hiện tượng rất thường gặp (Ảnh: Internet).

Khi nằm xuống, huyết áp của chúng ta sẽ thay đổi và lưu lượng máu ở phần trên của cơ thể thường tăng lên so với khi đứng, trong đó bao gồm cả lượng máu ở vùng đầu và đường mũi. Hiện tượng này có thể làm viêm các mạch máu nhỏ bên trong mũi, từ đó gây ra nghẹt mũi hoặc làm nặng thêm.

Sự thay đổi lưu lượng máu tự nhiên ở phụ nữ mang thai cũng là nguyên nhân phổ biến gây nghẹt mũi.

Nghẹt mũi đổi bên luân phiên

Nhiều người nhận thấy hiện tượng: một bên lỗ mũi bị nghẹt vào ban ngày, nhưng đến tối lại đổi bên. Nếu chỉ bị nghẹt ở một bên mũi vào ban đêm thì rất có thể đó là hiện tượng nghẹt mũi luân phiên xảy ra do một quá trình bình thường được gọi là chu kỳ mũi. Lý do tạo ra chu kỳ này hiện không rõ, nhưng nó không phải là bệnh hay rối loạn.

Bạn có bao giờ bị nghẹt mũi đổi bên? (Ảnh: Internet).
Bạn có bao giờ bị nghẹt mũi đổi bên? (Ảnh: Internet).

Nghẹt mũi xảy ra khi một xoăn mũi (cấu trúc nằm trên thành xoang có vai trò tạo ra chất nhầy) bị sưng phù ở một bên lỗ mũi, làm chặn luồng không khí ở bên đó.

Trào ngược axit

Bệnh trào ngược dạ dày thực quản (GERD) là tình trạng khiến cho axit trong dạ dày bị đẩy ngược lên thực quản, nguyên nhân là do cơ vòng ở đoạn nối giữa dạ dày và thực quản bị yếu, không thể đóng chặt như bình thường. Axit trào ngược lên trên có thể gây kích ứng mũi dẫn đến nghẹt mũi.

GERD có thể làm trào ngược axit ở bất kỳ thời điểm nào trong ngày, và khi ở tư thế nằm thì càng dễ bị trào ngược hơn. Đây cũng là lý do khiến cho các triệu chứng khác của GERD như ợ nóng, đau họng, ho, thở khò khè và khàn giọng thường nặng hơn vào ban đêm và lúc mới ngủ dậy buổi sáng.

Làm cách nào để bớt nghẹt mũi khi nằm ngủ?

Các nghiên cứu cho thấy nghẹt mũi ban đêm có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng giấc ngủ. Trên thực tế, những người bị viêm xoang mãn tính (một trong những nguyên nhân gây nghẹt mũi) có nguy cơ bị rối loạn giấc ngủ và thức giấc giữa đêm cao gấp từ 3 đến 9 lần so với người bình thường. Hãy thử các mẹo sau để giúp giảm nghẹt mũi vào ban đêm và ngủ ngon hơn.

Kê cao đầu

Kê gối cao có thể làm bớt nghẹt mũi (Ảnh: Internet).
Kê gối cao có thể làm bớt nghẹt mũi (Ảnh: Internet).

Nghẹt mũi nặng hơn vào ban đêm là vì chất nhầy trong mũi và xoang khó thoát ra hơn, không chỉ làm nghẹt mũi và khó thở mà còn có thể gây đau đầu do viêm xoang vào buổi sáng. Để khắc phục, hãy thử kê thêm gối để nâng cao đầu giúp cho chất nhầy trong các xoang thoát ra ngoài dễ dàng hơn.

Sử dụng máy làm ẩm không khí

Tăng độ ẩm của không khí để giảm nghẹt mũi (Ảnh: Internet).
Tăng độ ẩm của không khí để giảm nghẹt mũi (Ảnh: Internet).

Mũi bị khô có thể gây đau và nhạy cảm hơn với chất nhầy. Máy làm ẩm không khí có thể ngăn ngừa tình trạng khô mũi và giảm cảm giác khó thở khi bị nghẹt mũi. Có thể cho thêm các loại tinh dầu như bạc hà hoặc bạch đàn vào máy để không khí có mùi hương dễ chịu.

Điều quan trọng cần lưu ý là phải làm sạch máy thường xuyên, vì hơi ẩm có thể tạo điều kiện cho vi khuẩn và nấm sinh sôi phát triển. Tốt nhất bạn nên đọc kỹ hướng dẫn sử dụng để biết cách làm sạch và khử trùng cho máy.

Bạn có thể mua máy làm ẩm không khí tại đây

Để các vật dụng cần thiết bên cạnh giường ngủ

Nghẹt mũi có thể khiến bạn phải thức dậy giữa đêm để lấy nước uống hoặc khăn giấy, làm gián đoạn giấc ngủ rất khó chịu. Hãy để sẵn nước uống, một hộp khăn giấy và đồ đựng rác ngay cạnh giường để đỡ mất công đi lại nhiều.

Dùng mật ong

Nghẹt mũi có thể khiến bạn phải thở bằng miệng, nếu kéo dài sẽ làm cho cổ họng bị khô và đau, càng làm khó ngủ hơn. Mật ong có tác dụng bao phủ niêm mạc họng và làm bớt cảm giác khó chịu. Thậm chí mật ong có thể được dùng như một loại thuốc giảm ho.

Mật ong có thể làm giảm ho và giảm đau họng (Ảnh: Internet).
Mật ong có thể làm giảm ho và giảm đau họng (Ảnh: Internet).

Một nghiên cứu năm 2014 đã so sánh mật ong với giả dược và thuốc giãn phế quản tác dụng ngắn salbutamol khi dùng ở trẻ em bị cảm lạnh. Kết quả cho thấy mật ong có hiệu quả cao nhất giúp giảm triệu chứng ho, và đặc biệt là dễ dùng ở trẻ em hơn so với dùng thuốc.

Lưu ý rằng mật ong có thể gây dị ứng ở một số người, ngoài ra rất ít bị tác dụng phụ hoặc phản ứng tiêu cực khác. Bạn có thể mua mật ong nguyên chất tại đây.

Tắm nước nóng trước khi đi ngủ

Hơi nước nóng có thể giúp làm thông thoáng các xoang, làm cho chất nhầy lỏng ra và dễ thoát ra ngoài, giúp giảm đau đầu và giảm nghẹt mũi. Tắm nước ấm trước khi ngủ cũng giúp cơ thể thư giãn và dễ ngủ hơn. Ngoài ra một số người nhận thấy việc xoa bóp vùng da mặt bên ngoài các xoang cũng giúp mũi thông thoáng hơn.

Rửa mũi bằng nước muối

Xịt hoặc rửa mũi bằng nước muối có thể giúp làm sạch các xoang bị ứ đọng chất nhầy, giúp giảm kích ứng, giảm sưng và bớt nghẹt mũi vào ban đêm. Có thể để sẵn bình xịt nước muối thông thường (không chứa thuốc) ở cạnh giường để dùng nhiều lần trong đêm.

Bạn có thể mua nước muối xịt mũi tại đây

Dùng miếng dán mũi

Miếng dán mũi (Ảnh: Internet).
Miếng dán mũi (Ảnh: Internet).

Miếng dán mũi là dụng cụ nhỏ giống như dải băng gắn vào sống mũi giúp kéo nhẹ lỗ mũi mở rộng ra. Thông thường mọi người sử dụng miếng dán này để không bị ngáy khi ngủ, nhưng chúng cũng có thể giúp dễ thở hơn khi bị nghẹt mũi. Hãy thử đeo miếng dán mũi cho đến khi tình trạng nghẹt mũi giảm bớt.

Bạn có thể mua miếng dán mũi tại đây

Sử dụng các loại thuốc xịt thông mũi không yêu cầu kê đơn

Thuốc xịt không kê đơn có thể giúp giảm viêm, giảm nghẹt mũi do dị ứng và nhiễm trùng. Các chất này thường an toàn nếu sử dụng trong thời gian ngắn và giúp giảm triệu chứng nhanh chóng. Tuy nhiên một số loại thuốc xịt thông mũi có thể gây tình trạng “quen thuốc”, hậu quả là nếu dùng kéo dài rồi ngưng thuốc thì có thể bị nghẹt mũi tái phát nặng hơn.

Hãy cẩn thận khi dùng bất cứ loại thuốc nào (Ảnh: Internet).
Hãy cẩn thận khi dùng bất cứ loại thuốc nào (Ảnh: Internet).

Hãy đọc kỹ hướng dẫn sử dụng của thuốc, bao gồm cả số ngày tối đa có thể dùng thuốc liên tục. Tốt nhất nên dùng liều càng thấp càng tốt, miễn là có hiệu quả.

Thuốc xịt steroid giúp giảm viêm, có thể làm giảm nghẹt và giảm kích ứng trong đường mũi. Các loại thuốc này có thể cần bác sĩ kê đơn hoặc không, nhưng không được tự ý sử dụng thuốc xịt mũi có chứa steroid cho trẻ em.

Khi nào nên đến gặp bác sĩ?

Bệnh cảm lạnh cũng có thể gây nghẹt mũi. Thuốc kháng sinh và các loại thuốc thông thường khác không thể tiêu diệt virus gây bệnh cảm lạnh, tốt nhất là nên uống nhiều nước và nghỉ ngơi để cơ thể phục hồi. Các triệu chứng của cảm lạnh có thể kéo dài từ 2 ngày đến 2 tuần, và người bệnh thường hồi phục trong vòng 1 tuần.

Nghẹt mũi có thể là dấu hiệu cảm lạnh (Ảnh: Internet).
Nghẹt mũi có thể là dấu hiệu cảm lạnh (Ảnh: Internet).

Nên đi khám bác sĩ nếu bị nghẹt mũi trong những trường hợp sau:

  • Người có hệ miễn dịch kém – chẳng hạn như người lớn tuổi hoặc trẻ em – kèm với các triệu chứng cúm. Điều trị cúm càng sớm sẽ càng tránh được các biến chứng nghiêm trọng của bệnh này.
  • Nghẹt mũi ở trẻ nhỏ: Trẻ dưới 2 tháng tuổi không biết thở bằng miệng, vì vậy nghẹt mũi có thể gây nguy hiểm nếu không được điều trị kịp thời.
  • Cảm thấy không thể thở được hoặc có các vấn đề nghiêm trọng về hô hấp như nhịp tim nhanh, môi tái xanh, thở nhanh, chóng mặt, tinh thần hoảng loạn hoặc lờ đờ.
  • Nghẹt mũi kéo dài hơn 2 tuần hoặc ngày càng nặng hơn trong vòng vài ngày.
  • Nghẹt mũi kèm sốt cao 39,5°C trở lên hoặc sốt kéo dài hơn vài ngày.
  • Nghẹt mũi kèm theo các dấu hiệu của hen suyễn như đột ngột lên cơn khó thở, thở khò khè hoặc thở gấp.

Tổng kết

Nghẹt mũi ban đêm có thể khiến bạn khó ngủ, nhưng có nhiều biện pháp khắc phục đơn giản tại nhà giúp giảm bớt vấn đề khó chịu này, ngoài ra cũng nên uống nhiều nước và nghỉ ngơi để cơ thể phục hồi. Nếu có dấu hiệu cảm cúm thì nên hạn chế tiếp xúc với người khác để tránh lây bệnh, nếu triệu chứng rất nghiêm trọng hoặc kéo dài không hết thì hãy đến gặp bác sĩ để thăm khám kỹ hơn.

Mời bạn xem thêm những bài viết liên quan:

Hãy đón xem BlogAnChoi mỗi ngày để nhận được nhiều thông tin thú vị bạn nhé!

Xem thêm

Hiến máu nhân đạo - Cho đi để nhận lại nhiều hơn

Hạnh phúc đơn giản là sẻ chia, hãy cho đi để nhận lại nhiều hơn. Nhất là trong tình hình dịch bệnh đang ngày càng căng thẳng, người người chống dịch nhà nhà chống dịch. Xã hội đang cần những tình nguyện viên như chúng ta sẵn sàng trao đi những giọt máu của mình. Hiến máu nhân đạo ...
Theo dõi bình luận
Thông báo về
guest
0 Bình luận
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận